Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo đơn vị tư vấn thực hiện Quy hoạch điện VIII tiếp thu ý kiến mà các Tập đoàn, doanh nghiệp, các đơn vị đã nêu về các tồn tại của năng lượng tái tạo và đồng ý với việc nên phát triển năng lượng tái tạo có lộ trình, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.
Cơ quan này khẳng định, quy mô nguồn năng lượng tái tạo tính toán đề xuất trong dự thảo Quy hoạch điện VIII hiện đã phù hợp với mục tiêu năng lượng tái tạo đặt ra trong Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Đề án Quy hoạch điện VIII gồm 19 chương, chia thành các nội dung chủ yếu như quan điểm, mục tiêu và phương pháp; hiện trạng hệ thống điện quốc gia và nhu cầu tiêu thụ điện; các tiêu chí, thông số đầu vào để lập quy hoạch; tiềm năng các nguồn năng lượng sơ cấp sử dụng cho phát điện; chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện…
Theo tính toán, điện thương phẩm dự báo trong quy hoạch điện VIII thấp hơn so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng 15 tỷ kWh vào năm 2030. Tỉ trọng nhu cầu điện sẽ có sự dịch chuyển từ miền Nam ra miền Bắc, đây là yếu tố mới của Quy hoạch điện VIII.
Về nhiên liệu cho phát điện, Quy hoạch điện VIII sẽ ưu tiên khai thác các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên do nguồn khí tự nhiên đang cạn kiệt dần trong khi việc khai thác các mỏ khí mới còn chưa chắc chắn về thời điểm dòng khí đầu tiên cũng như chịu nhiều yếu tố bất định tác động nên để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với quy mô khá lớn để cấp cho các nhà máy điện khí LNG, đi kèm với đó cần phải phát triển các cơ sở hạ tầng khí phục vụ sản xuất điện như hệ thống kho, hệ thống cảng...
Bên cạnh các nguồn khí nhập khẩu, cũng cần thiết phải xúc tiến việc nhập khẩu than với sản lượng lớn để đảm bảo cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than. Giai đoạn tới 2030, tiếp tục khai thác mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nguồn gió ngoài khơi xa bờ, các nguồn điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác...
Về chương trình phát triển nguồn điện, kịch bản phát triển nguồn điện lựa chọn đáp ứng tốt tiêu chí an ninh cung cấp điện, thỏa mãn các cam kết với quốc tế về giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất điện với chi phí sản xuất điện thấp, hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện.
Lượng hoá các tiêu chí
Trong văn bản góp ý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có đề nghị Ban soạn thảo cần thống nhất về nguyên tắc 3 tiêu chí xây dựng chương trình phát triển nguồn điện: (i) đảm bảo an ninh cung cấp điện; (ii) đáp ứng được các cam kết của Việt Nam đối với Quốc tế trong giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất điện; (iii) có chi phí sản xuất điện thấp, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện.
Nội dung này được Bộ Công thương cho biết, tiêu chí đảm bảo an ninh cung cấp điện được lượng hóa thông qua các chỉ số: chỉ số HHI (chỉ số đa dạng hóa trong cơ cấu nguồn điện, chỉ số HHI càng thấp thì càng đa dạng), tỷ lệ phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu thấp và độ tin cậy cung cấp điện (số giờ kỳ vọng không cung cấp điện thấp hơn 12 giờ/năm).
Tiêu chí xây dựng chương trình phát triển nguồn điện đã đáp ứng được các cam kết của Việt Nam về phát thải gồm: giảm phát thải 9% so với kịch bản thông thường và 27% trong trường hợp có trợ giúp của quốc tế. Tiêu chí này cũng được cụ thể hóa bằng chỉ tiêu chi phí sản xuất điện năng tối thiểu của cả hệ thống điện.
Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và EVN cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, đánh giá kỹ về tỷ lệ dự phòng thô của hệ thống điện để có đề xuất phát triển nguồn điện phù hợp và sớm có kế hoạch liên kết lưới điện khu vực để mua bán, trao đổi điện năng giữa các nước, đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, tránh trường hợp lãng phí, không hiệu quả trong đầu tư.
Theo Dự thảo Đề án, trong giai đoạn đến năm 2030, tỷ lệ dự phòng thô của hệ thống điện (bao gồm cả các nguồn điện năng lượng tái tạo) là tương đối cao, khoảng 70% năm 2025 và 60% năm 2030. Điều này khiến các đơn vị lo ngại về việc các nhà máy nhiệt điện than và khí sẽ có Tmax (hệ số phụ tải) hàng năm thấp, có thể phải cắt giảm công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo tại một số thời điểm cũng như không tận dụng tối đa hiệu quả của các nguồn điện khác như nhiệt điện khí tự nhiên, thủy điện.
Đối với nội dung nêu trên, Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo tư vấn tiếp thu ý kiến và xem xét các vấn đề nêu ra. Trên thực tế, các nguồn điện gió, mặt trời không ổn định, phụ thuộc vào thời tiết nên thường sẽ không tính tới trong dự phòng công suất của hệ thống điện. Nếu không tính công suất của điện gió, mặt trời thì dự phòng của hệ thống điện trong các năm 2025, 2030 là 24% và 16,1% đối với phụ tải cơ sở và 21% và 14,7% đối với phụ tải cao. Do đó, con số đưa ra trong dự thảo là các con số phù hợp.
Phát triển năng lượng tái tạo theo lộ trình phù hợp với nền kinh tế
Một số ý kiến góp ý cho Dự thảo Quy hoạch điện VIII có bày tỏ sự lo ngại về việc đưa ra nội dung các nguồn điện gió và năng lượng mặt trời sẽ phát triển mạnh (năm 2045 tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo gồm cả thủy điện lớn đạt 53%). Tuy nhiên, nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió có tính ổn định không cao, phụ thuộc lớn vào tình hình thời tiết. Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua điện gió, điện mặt trời phát triển rất nhanh nhưng đã xuất hiện một số tồn tại liên quan đến giá điện, các rào cản kỹ thuật, việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia,...
Do đó, cần xem xét hạn chế việc phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ và quy mô quá lớn như trong thời gian qua, đã và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc vận hành của hệ thống điện nói chung, việc đầu tư và vận hành hiệu quả lưới điện truyền tải nói riêng.
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo tư vấn tiếp thu ý kiến về các tồn tại của năng lượng tái tạo và cho rằng nên phát triển năng lượng tái tạo có lộ trình, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. Cơ quan này cũng khẳng định, quy mô nguồn năng lượng tái tạo tính toán đề xuất trong dự thảo Quy hoạch điện VIII hiện đã phù hợp với mục tiêu năng lượng tái tạo đặt ra trong Nghị quyết 55-NQ/TW, cụ thể như sau:
Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong Nghị quyết 55/NQ-TW là tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp, mức tỷ lệ này tương ứng với tỷ lệ điện năng của năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc là khoảng 30% năm 2030 và 40% năm 2045. Mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo theo Chiến lược phát triển nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam giai đoạn đến 2030 định hướng đến 2050 (Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015) đạt 32% năm 2030 và 43% năm 2050.
Khi đưa ra chính sách về mục tiêu năng lượng tái tạo là tỷ lệ thấp nhất phải đạt được. Mô hình quy hoạch lựa chọn phát triển năng lượng tái tạo vượt mức thấp nhất, chứng tỏ chi phí đầu tư của nguồn năng lượng tái tạo dự báo trong tương lai thấp, việc tăng cường phát triển năng lượng tái tạo hơn so với mục tiêu vẫn đảm bảo là phương án nguồn điện có chi phí thấp nhất.
Với góp ý về việc cần ưu tiên cân bằng năng lượng vùng miền để tránh xây dựng quá nhiều lưới điện truyền tải, tư vấn cho biết, việc ưu tiên cân bằng năng lượng vùng miền là một trong những tiêu chí của bài toán quy hoạch điện. Điều này đã được tính đến trong hàm mục tiêu tối thiểu hóa chi phí của mô hình quy hoạch nguồn điện, trong đó có tích hợp cả nguồn điện và lưới điện truyền tải liên vùng.
Quy hoạch điện VIII đã xem xét xây dựng thêm các nguồn điện tại chỗ khu vực Bắc Bộ: Nhiệt điện LNG Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nghi Sơn... Tuy nhiên khả năng phát triển về năng lượng tái tạo, về nguồn điện miền Bắc không thuận lợi như khu vực Trung Bộ, Nam Trung Bộ. Quy hoạch đã đưa ra so sánh tương đối chi phí sản xuất điện tại các vùng và đề xuất xây dựng biểu giá vùng, miền sẽ góp phần điều hòa khả năng xây dựng nguồn điện, tránh truyền tải xa.
Vẫn cần thiết xây dựng các nhà máy nhiệt điện
Một số địa phương có đề nghị không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm tới, thay vào đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió.
Trả lời nội dung này, Bộ Công Thương cho biết, quy mô các nhà máy nhiệt điện than đưa vào giai đoạn 2021-2035 đều là những dự án chắc chắn xây dựng. Bởi, đây là những dự án đã thực hiện công tác xúc tiến đầu tư tốt mà không thể loại bỏ. Ví dụ như: Nhiệt điện Nam Định I, Thái Bình II, Nhiệt điện Vũng Áng II, Nhiệt điện Vân Phong I, Nhiệt điện Duyên Hải II.... Sau năm 2035, hệ thống vẫn cần tiếp tục phát triển một phần nhỏ nhiệt điện than để đảm bảo tiêu chí an ninh năng lượng, giá điện không tăng quá cao.
Tuy nhiên, trong Quy hoạch điện VIII đã yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than xây mới sử dụng công nghệ như sau: trong giai đoạn 2021-2025 chỉ xây dựng công nghệ nhiệt điện than siêu tới hạn trở lên, giai đoạn từ 2025-2035 chỉ xây dựng nhiệt điện than trên siêu tới hạn (USC) trở lên và sau năm 2035 chỉ xây dựng nhiệt điện than trên siêu tới hạn cải tiến (AUSC).
Bên cạnh đó, tư vấn cho biết, để đáp ứng nhu cầu phụ tải với chi phí không quá cao, hệ thống vẫn cần phải xây dựng các nhà máy nhiệt điện. Nếu chọn phát triển nhiệt điện khí LNG thay than thì sự phụ thuộc vào bên ngoài vẫn như vậy và chỉ phụ thuộc vào loại hình khí LNG sẽ làm giảm mức độ an ninh năng lượng, ngoài ra chi phí sản xuất điện của nguồn điện LNG khá lớn, giá điện sẽ tăng cao hơn nhiều.
Trong khi đó, công nghệ các nhà máy nhiệt điện than hiện nay đã phát triển và tiến bộ vượt bậc nhằm đáp ứng nhu cầu giảm tiêu hao năng lượng và đảm bảo về môi trường. Vì vậy, với công nghệ hiện đại của các nhà máy nhiệt điện than hiện nay ngoài hiệu suất có thể lên đến > 50%, tiêu hao ít nhiên liệu và tài nguyên thì công nghệ xử lý chất thải cuối nguồn cũng đạt hiệu suất cao tương ứng có thể xử lý để giảm tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Nhiều dự án còn nằm gần các đô thị lớn như ở Úc, Nhật Bản, Đức.
Thực tế cho thấy, phát thải từ nhà máy hiện được kiểm soát bởi hai lớp tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn nguồn thải quy định nồng độ phát thải khí thải tại nguồn và tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh áp dụng để kiểm soát nồng độ phát thải các loại khí thải trong không khí xung quanh nên phát thải ở mức rất thấp và được kiểm soát bằng hệ thống giám sát tự động về các cơ quan quản lý môi trường địa phương. Do đó, nồng độ các khí thải sẽ được kiểm soát ở ngưỡng không gây hại đến sức khỏe con người.
Nguồn: Báo Chính phủ./.