EVN: Huy động năng lượng tái tạo năm 2021 tăng gấp hơn 2,5 lần so với năm 2020

06/05/2021 66 Lượt xem

Chiều 4/5, tại Hà Nội, ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì buổi làm việc với các chuyên gia kinh tế, chuyên gia năng lượng, chuyên gia môi trường về tình hình vận hành hệ thống điện năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025.

Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân (đứng) thông tin về tình hình vận hành hệ thống điện tại buổi làm việc. Nguồn: EVN.Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân (đứng) thông tin về tình hình vận hành hệ thống điện tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Đình Nhân – Tổng Giám đốc EVN cho hay, năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng toàn Tập đoàn đã nỗ lực đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân. 

Tổng điện năng tiêu thụ năm 2020 là 217 tỷ kWh, tăng 3,42% so với năm trước đó. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện thương phẩm cả nước đạt 71 tỷ kWh, tăng 6,74% so với cùng kỳ năm 2020. Lãnh đạo EVN cho hay, đây là mức tăng trưởng thấp so với những năm trước (trung bình 9-10%/năm). Thực tế, nhu cầu điện tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng nguồn điện lại tăng đột biến trong 2 năm vừa qua, khi các nhà đầu tư đã hưởng ứng tích cực các cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ.

Thời gian qua, để vận hành hệ thống điện, thị trường điện đảm bảo an toàn, liên tục và kinh tế, EVN luôn tuân thủ các Thông tư, quy định của Nhà nước, các Bộ, ngành, với ưu tiên cao nhất là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, duy trì sự ổn định của hệ thống điện. Tập đoàn cũng đã nỗ lực điều hành để tổng chi phí sản xuất toàn hệ thống ở mức thấp nhất. 

Tổng Giám đốc EVN cũng khẳng định, việc tiết giảm nguồn năng lượng tái tạo cũng như các loại nguồn khác trong thời gian qua là tình trạng khách quan, không mong muốn. Là doanh nghiệp Nhà nước được giao vai trò trọng yếu trong việc đảm bảo điện cho quốc gia, EVN sẽ nỗ lực tối đa để đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy và liên tục. EVN mong muốn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp sử dụng điện, các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động Điện lực. Tập đoàn luôn luôn lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà báo với tình thần cầu thị để Tập đoàn và các đơn vị thành viên ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó.

Vấn đề nguồn năng lượng tái tạo tăng cao trong thời gian qua đã gây khó khăn cho việc duy trì sự ổn định trong vận hành hệ thống điện. Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Ninh – Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (NLDC) cho biết, dù nguồn năng lượng tái tạo đến hết năm 2020 đạt gần 20.000MW, chiếm tỉ trọng công suất khoảng 30% toàn hệ thống điện nhưng sản lượng lại chỉ chiếm khoảng 12% toàn hệ thống. Bên cạnh đó, hàng loạt khó khăn, vướng mắc được NLDC chỉ ra như: dự báo công suất phát điện mặt trời, điện gió có sai số lớn do đặc tính bất ổn định của loại nguồn này, hay phụ tải chênh lệch giữa giờ cao điểm và thấp điểm lớn, hoặc nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên huy động nhưng NLDC vẫn phải đảm bảo vận hành thị trường điện,...

Ông Nguyễn Đức Ninh cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc ưu tiên tối đa huy động nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, việc điều độ điện thời gian qua đã có nhiều thay đổi theo hướng giảm phát các nguồn điện truyền thống, dù đây là các nguồn giá rẻ hơn và chất lượng ổn định hơn. Cụ thể, trong năm 2021, kế hoạch được Bộ Công thương phê duyệt là EVN sẽ huy động, sản xuất gần 126 tỉ kWh nhiệt điện than trong tổng số hơn 260 tỉ kWh của toàn hệ thống. Kế hoạch cập nhật đến cuối tháng 4 cho thấy khả năng sản lượng điện than huy động năm nay sẽ giảm khoảng 8 tỉ kWh, tương đương giảm khoảng 6%. Không chỉ có điện than, mà thủy điện cũng điều chỉnh rất nhiều để nhường chỗ cho năng lượng tái tạo. 

Theo kế hoạch, Tập đoàn điện lực Việt Nam dự kiến năm 2021 sẽ huy động 32 tỉ kWh, gấp hơn 2,5 lần năm qua, trong đó điện mặt trời khoảng 26,3 tỉ kWh. Đến cuối tháng 4, có khoảng 9.200 MW điện mặt trời trang trại, 9.583 MW điện mặt trời áp mái và 612 MW điện gió vận hành. Dự kiến số lượng dự án điện gió đưa vào vận hành sẽ tăng nhanh từ nay đến cuối năm, với công suất khoảng 4.500-5.400 MW.

Nguồn: T/h./.